8
Sau khi khúc mắc được tháo gỡ, tôi cảm thấy tinh thần phấn chấn hơn hẳn.
Điền Tĩnh hỏi tôi gần đây có chuyện vui gì không.
Tôi gật đầu, đúng là chuyện vui.
"Haha, có phải là chị đã hòa hợp với bạn trai rồi không?"
Điền Tĩnh nhướng mày cười gian, chọc nhẹ vào tay tôi.
[Sao em đoán vậy?] Tôi gõ chữ hỏi.
"Vì mấy ngày trước trông chị cứ buồn buồn, lại còn có một cô gái tới đón chị thay vì anh ấy, nên em đoán hai người cãi nhau. Những người đang yêu thì không phải lúc nào cũng như vậy sao."
Quả là một nữ sinh đại học, dù chưa từng yêu nhưng lại hiểu chuyện yêu đương rất rõ ràng.
Nhớ tới điều tôi vẫn suy nghĩ gần đây, tôi hỏi cô ấy:
[Nếu chị cũng muốn vào đại học, bây giờ còn kịp không?]
Điền Tĩnh hơi ngạc nhiên, “Chị Hứa Cưu, chị chưa học đại học à? Em cứ tưởng chị cũng là sinh viên như em, sợ chị học ở trường đặc biệt nên em không dám hỏi.”
Tôi hơi ngượng ngùng: [Chị bỏ học từ cấp hai rồi, giờ muốn học lại, chỉ là không biết có muộn quá không.]
Mẹ tôi qua đời khi tôi học lớp tám. Khi đó, gia đình sống dựa vào tiền sinh hoạt do cha dượng chu cấp, mẹ vừa đi, ông ta liền không hỗ trợ tiền học cho tôi nữa, thậm chí còn đưa ra những giấy nợ mà ông ta bắt mẹ tôi ký tay.
Tôi biết, rõ ràng đó là khoản vay lãi cao do ông ta nợ, nhưng ông lại ép mẹ tôi ký. Không có lý nào "cha nợ con trả" về mặt pháp lý, nhưng để không cho tôi trốn thoát, ông ta đã lấy tro cốt của mẹ ra uy hiếp.
"Không muộn, không muộn ạ! Người ta nói sống đến già học đến già, bây giờ có nhiều trường đại học dành cho người lớn lắm đó ạ!"
Điền Tĩnh nhiệt tình kể cho tôi nghe về kỳ thi cao đẳng dành cho người lớn.
Cô ấy còn giới thiệu giáo viên có chuyên môn về lĩnh vực này cho tôi.
Thầy Lý nói với tôi rằng theo pháp luật, các trường cao đẳng và đại học không được phép từ chối hồ sơ của người câm điếc.
Hơn nữa, nhiều trường công lập còn hỗ trợ môi trường học tập thích nghi cho người câm điếc, như cung cấp phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu và thiết bị trợ thính.
Lời cô ấy nói khiến tôi cảm thấy mơ mộng.
Vào thời điểm mới bỏ học cấp hai, khi bạn bè cùng trang lứa đều mang cặp sách đến trường, tôi chỉ có thể theo dì hàng xóm đến làm việc ở xưởng.
Khi đó trong lòng tôi luôn cảm thấy xót xa và buồn bã.
Nếu có thể quay lại lớp học, đối với tôi mà nói, điều đó giống như một giấc mơ không thể thành hiện thực.
[Không muộn sao ạ?] Tôi hỏi lại câu hỏi đó.
[Thời điểm tốt nhất để trồng một cái cây là hai mươi năm đầu, thời điểm thứ hai là ngay bây giờ.]
Nhìn dòng chữ mà thầy Lý gửi, trái tim tôi bắt đầu dao động.
Như mặt biển yên ả bỗng nổi lên sóng lớn, từng đợt sóng trắng xóa vỗ vào bờ phát ra âm thanh dồn dập. Tôi chợt nhận ra đó là tiếng tim mình đập mạnh mẽ.
Buổi tối, tôi kể cho Tần Thuật nghe về chuyện này.
Tôi cứ nghĩ anh sẽ vui như tôi, nhưng sắc mặt anh lại hơi trầm xuống.
“Bé Cưu, em thật sự muốn học lại đúng không?”
Tôi không hiểu sao anh lại hỏi vậy, nhưng vẫn mạnh mẽ gật đầu.
Thấy tôi trả lời như thế, Tần Thuật mới nở nụ cười.
“Thích thì cứ làm, dù thế nào anh cũng sẽ ủng hộ em.”
Tần Thuật xoa nhẹ lên đỉnh đầu tôi, “Anh biết vài giáo viên dạy học khá giỏi, để anh liên hệ họ tới nhà dạy em mỗi ngày nhé.”
Nói rồi anh định gọi điện, tôi vội ngăn lại.
[Em đã tìm được lớp học rồi, học chung với mọi người.]
“Lớp có chia nam nữ không?”
[Lớp học chung ạ.]
Tần Thuật hơi nhíu mày, im lặng một lát rồi nâng cằm tôi lên: “Nếu em thay lòng thì anh sẽ khóc đấy.”
Nhìn vẻ mặt tủi thân ấy của anh, tôi không nhịn được bật cười.
Nếu là tôi cách đây một năm, tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ có ngày quay lại lớp học.
Dù các bạn cùng lớp đều là người lớn, nhưng tôi vẫn có cảm giác như được quay lại thời thơ ấu.
Trong xã hội mà mọi thứ đều có giá, chỉ có học tập là bao dung, không đòi hỏi bất kỳ điều kiện nào.
Dù là người đi làm, nội trợ hay người về hưu, bất kể hoàn cảnh nào, mọi người đều có quyền được học tập.