Thành Thân Với Người Phàm Thật Khó - Oạt Khanh Tất Điềm

Chương 21



Lê Liễu Phong bước vào nhà, ánh mắt rơi vào cửa sổ nơi Trì Nhứ thường đợi, nhưng không thấy người đâu, thoại bản bằng da màu xanh để trên bàn gỗ mây, gió nhẹ thổi qua, khẽ lật sang trang.

Hắn suy nghĩ một hồi rồi quay người đi vào bếp.

Gần đây, Trì Nhứ rất nhiệt tình nấu ăn, chỉ là thành quả lại tỷ lệ nghịch với sự tích cực của nàng, kết quả luôn làm nàng không hài lòng. Cũng may, nàng không sợ thất bại, ngược lại tìm ra niềm vui "càng đánh càng hăng".

Lúc Lê Liễu Phong có việc, Trì Nhứ sẽ yên lặng ở bên đọc sách, hoặc là vào bếp mân mê một số món ăn nhẹ, tối hôm qua còn bưng một chén chè như hiến của quý tới.

Mặc dù có hơi nhiều đường nhưng Lê Liễu Phong vẫn rất nể mặt uống cạn, đồng thời không tiếc lời khen ngợi.

Trì Nhứ biết rõ trình độ của mình, nửa tin nửa ngờ uống một ngụm, sau đó quyết định không bao giờ nghe Lê Liễu Phong nói bậy nữa.

Lúc này nàng đang ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ trong phòng bếp, nhẹ nhàng cầm quạt quạt gió, nhìn bếp lò nhỏ trước mặt, lúc phát hiện có người ở cửa, nàng quay đầu lại, kinh ngạc nói: “Sao ngươi về nhanh thế?"

Ánh nắng chiều xuyên thấu qua khung cửa sổ bằng gỗ, vừa khéo phủ lên khuôn mặt xinh đẹp của nàng một lớp ánh sáng dịu nhẹ, thậm chí đôi mắt của nàng dường như cũng lấp lánh một màu ấm áp.

Lòng Lê Liễu Phong khẽ rung động, cảm giác lạnh băng trên đường Hoàng Tuyền quay về dường như giờ phút này mới chính thức tản đi, tan thành mây khói.

... Dường như hắn sinh ra và lớn lên ở đây, rồi một ngày nọ, trên một ngọn núi hoang vô danh, hắn tìm được một cô nương mình thích.

Lê Liễu Phong cười đi tới: “Xong việc rồi, nên về sớm một chút.” Hắn khom người đưa cho Trì Nhứ một gói giấy vuông nhỏ.

Hắn đi ra ngoài, sao còn có đồ mang về cho nàng? Trì Nhứ khó hiểu mở ra, phát hiện trong đó có ba cái túi giấy nhỏ, bên trên viết "Đậu cô ve", "Ớt", "Bí đao".

Trì Nhứ nhanh chóng ý thức được: "Hạt giống? Chúng ta ra ruộng à?"

Cuối cùng cũng đợi được ngày này!

Lê Liễu Phong đề nghị: "Nếu A Nhứ muốn ra ruộng, có thể ưu tiên suy tính cho mảnh sân kia trước được không? Ta nghĩ, hoa quá chóng tàn, chi bằng trồng rau."

Trì Nhứ cười híp mắt: "Được, được, hôm nay ta vừa mới dọn dẹp nó xong, sao lại trùng hợp như vậy chứ?"

Thực ra cũng không phải trùng hợp, sau khi Lê Liễu Phong nghe người giấy nhỏ báo cáo xong mới đến một gia đình trong Triệu gia thôn mua hạt giống về.

Trì Nhứ cứ nhắc mãi chuyện ra đồng, thật ra tìm một cánh đồng cho nàng nếm thử điều mới mẻ cũng không phải là không được, chỉ sợ nàng nghiện trồng trọt, suốt ngày chạy ra ruộng, đến lúc đó phơi gió phơi sương, dầm mưa dãi nàng... Hắn sẽ đau lòng.

·

Tối nay Trì Nhứ làm cháo lỏng — không dầu, muối, đường, giấm, chỉ cần một nắm gạo trắng và một lon nước, nấu như luộc cải trắng một chút là xong, có thể nói là tỷ lệ thất bại bằng không.

Cháo lỏng không đủ no, nàng lại hấp thêm mấy cái màn thầu, Lê Liễu Phong hái một củ cải trắng vừa phải, cắt lát mỏng, luộc chín rồi để ráo nước, sau đó ướp sốt giấm dầu đỏ và ớt sừng, đựng trong đĩa sứ trắng, đủ mùi vị sắc, trông cực ngon miệng.

Sau khi ăn xong, Trì Nhứ tiêu hóa một lát, nàng không dựa vào ghế như thường lệ mà cầm khăn bông trắng và bút chì, ngồi xuống bàn.

Đây là sở thích thứ hai của nàng gần đây.

Dù sao Lê Liễu Phong cũng bận rộn công việc, không thể chơi với nàng mỗi ngày, Trì Nhứ thỉnh thoảng sẽ ra ngoài đi dạo, mới mấy ngày đã quen được đại tỷ hàng xóm kế bên nhà.

Vị đại tỷ kia từng là tú công trong một gia đình giàu sang ở thành Xương Châu, Trì Nhứ thấy tác phẩm của nàng ta thì thích thú không thôi, bèn xin nàng ta chỉ dạy. Đại tỷ kia cũng rảnh rỗi đến nhàm chán, lại thích ngoại hình và cái miệng ngọt của Trì Nhứ, hai người ăn ý, trở thành thầy trò. Ngày nào Trì Nhứ cũng đến nhờ nàng ta chỉ dạy

Lê Liễu Phong đã động tay động chân với người trong thôn từ trước nên không sợ mình bị lộ, thấy mặt mày sáng rỡ của Trì Nhứ mỗi khi nhắc đến thêu thùa, hắn cũng vui vẻ. Mấy ngày liên tục, cứ sáng sớm là Trì Nhứ ra ngoài, đến tận trưa mới về nhà ăn cơm.

Lê Liễu Phong thong thả đi tới: "Lão sư giao bài tập gì cho nàng thế?"

Trì Nhứ gõ gõ đầu ngón tay lên một cái bức tranh nhỏ trên bàn: "Nàng ấy bảo ta thử thêu con bướm này."

Nàng đã dùng bút chì miêu tả kiểu dáng của con bướm, nhưng mãi vẫn không xuống được mũi kim đầu tiên, nàng sợ mình run tay sẽ khâu một con bướm thành một con gián.

Lê Liễu Phong: "Sao A Nhứ không thêu tiếp?"

Trì Nhứ nhìn con bướm: "Ta sợ ta thêu không tốt."

Con bướm này có nền màu xanh nhạt, trên là hoa văn sọc dài vàng nhạt, hai bên mép cánh có hai đường sọc nhỏ màu đen, râu mảnh mai thon dài, lúc phác họa đã rất tốn công rồi, thêu thì còn khó hơn nữa.

Lỡ như thêu hư sẽ phải vẽ lại lần nữa.

Lê Liễu Phong trầm ngâm nói: "Nếu ta nhớ không nhầm thì nàng đã đánh cược với lão sư, nếu không thêu xong một bộ sẽ bị phạt."

Trì Nhứ vừa nghe thế thì buồn bực không thôi.

Nếu trong vòng ba ngày nàng không thêu xong, nàng sẽ phải rửa chén cho đại tỷ hàng xóm kiêm lão sư một tháng. Bán sức lao động là chuyện nhỏ, nhưng mất mặt là chuyện lới, lúc này Trì Nhứ đành cắn răng, đâm mũi kim đầu tiên xuống vải bông.

Tối hôm sau, Lê Liễu Phong đang xem bản kiểm điểm Tần Quảng vương tự nộp lên thì Trì Nhứ đi tới, không nói gì giơ bức thêu lên cho hắn xem.

Màu sắc thì không sai, nhưng hình dáng không biết vì sao lại quá chênh lệch, vừa nhìn nó giống một con cua lớn hơn là một con bướm.

Bởi vì tối hôm qua nhắm mắt thổi thổi chén chè kia, Lê Liễu Phong đã bị lệnh cưỡng chế phải nói thật, hắn cân nhắc một hồi rồi nói: "Ừm, ít ra... cũng là một hoa văn."

Trì Nhứ mặt như đưa đám: "Ngươi thấy ta còn có thể sửa được không? Nó trông cứ như một con cua lớn ấy."

Xem ra “quân tử cũng thấy như vậy”, Lê Liễu Phong suy nghĩ một lát: “Hay là nàng thêm mấy chân ở trên đó đi, cứ nói với lão sư, nàng không thích bướm nên sửa lại kiểu dáng thêu con cua."

Dù sao lão sư cũng chỉ nói "thêu thử" chứ không nói "phải thêu" đâu, đổi kiểu dáng cũng không tính là phạm quy, nhưng nghĩ lại nàng vẫn do dự nói: "Nhưng mà lão sư có nhìn ra được lúc đầu ta thêu con bướm không?"

Đừng che giấu quá khứ, ngược lại làm lão sư nghĩ tài nghệ nàng không tốt, còn hay ngụy biện.

“A Nhứ.” Lê Liễu Phong cố nén cười, nghiêm túc nói: “Thực ra là không nhìn ra đâu.”

Trì Nhứ: "..."