Tình Yêu Của Kẻ Thực Dụng

Chương 116: Nghiên Nghiên



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Mục Tĩnh có hơi hối hận vì đã giúp Cù Hoa mang quần áo tới.

Thấy Mục Tĩnh im lặng, Cù Hoa tự động hiểu thành cô không biết đồ của anh để ở đâu, bèn cố ý chỉ vị trí cho cô: “Phiền em trưa mai lại mang đến cho anh nhé. Nếu như em không tiện, đêm nay anh có thể về…”

Không đợi Cù Hoa nói hết, Mục Tĩnh đã nhanh miệng đáp: “Tối nay em sẽ đem tới cho anh luôn.”

Cù Hoa nuốt những lời định nói vào trong bụng, quan sát cô vợ mới cưới của mình: “Sao em phải gấp gáp thế?” Cứ như là sợ đêm nay anh sẽ về nhà nên phải sớm đưa quần áo tới trước vậy.

“Em gấp lắm à?”

Quá gấp ấy chứ.

“Em có muốn đi gặp bà nội không?”

“Sức khỏe bà nội không tốt, cần phải nghỉ ngơi nhiều, em không quấy rầy bà nữa, anh cho em gửi lời hỏi thăm sức khỏe bà nhé.”

Cô không muốn lại bị nhận lầm thành “Nghiên Nghiên”. Mặc dù chuyện Cù Hoa giúp đỡ cô trên xe lửa và chuyện anh chủ động kết hôn với cô đều có liên quan phần nào tới việc cô trông giống Nghiên Nghiên, nhưng cô không muốn cứ bị người khác nhắc nhở liên tục như thế.

Từ sau khi bị gọi là “Nghiên Nghiên”, mỗi lần đối mặt với Cù Hoa, Mục Tĩnh vẫn luôn có chút mất tự nhiên. Cô không thể nói chắc được khi nhìn cô người anh nghĩ tới là ai, cô nhìn thẳng hay nhìn nghiêng thì giống với “Nghiên Nghiên” hơn, anh cười vì cô, hay là bởi vì nhớ tới ai đó nên mới mỉm cười. Cô có thể chấp nhận chuyện Cù Hoa vội vàng cưới mình là vì bà nội, cũng có thể chấp nhận việc tình cảm không đóng vai trò lớn trong cuộc hôn nhân của họ, cô chưa bao giờ cho rằng tình cảm là thứ không thể thiếu trong một cuộc hôn nhân. Nhưng cô rất khó chấp nhận chuyện Cù Hoa kết hôn với cô là bởi cô giống ai đó, như vậy cô sẽ cảm thấy mình giống một cái màn hình hơn là giống với con người. Trước kia cô từng có một người bạn học luôn luôn đến rạp chiếu phim xem đi xem lại một bộ phim chỉ vì diễn viên mà cô ấy thích, cho dù người thật có xa tận chân trời góc bể thì nhìn người ảo trên màn ảnh cũng đủ rồi. Cô không biết tâm trạng của Cù Hoa khi nhìn cô là thế nào, nhưng cô cũng không muốn thường xuyên nhìn thấy Cù Hoa, đảm nhận vai trò màn ảnh ở trong mắt anh. Nếu như biết chuyện ấy sớm một ngày trước khi cưới, cô chưa chắc đã bằng lòng kết hôn với anh. Nhưng một khi đã kết hôn rồi, cô cũng chỉ còn cách nghĩ về điểm tốt của cuộc hôn nhân này mà thôi.

Mục Tĩnh lặp lại lời mình ban nãy, nói tối nay cô sẽ mang thêm đồ đến cho anh.

Sau khi tan ca, Mục Tĩnh vừa về đến nhà họ Cù là đã vội vã chạy lên phòng ngủ của cô và Cù Hoa, lấy đồ lót của anh ở trong ngăn kéo tủ. Lần này cô không phát huy sở trường gấp quần áo nữa mà chỉ cầm chúng bằng hai ngón tay rồi nhét thẳng vào trong túi, sau đó bỏ vào túi xách của mình rồi lại gấp rút xuống dưới. Còn chưa xuống đến tầng một, cô đã nghe thấy tiếng Cù Hoa đang nói chuyện.

Người trò chuyện với anh chính là nhân viên cần vụ(1) Tiểu Tần.

(1) Nhân viên cần vụ: Người thực hiện các nhiệm vụ lặt vặt trong quân đội cũ hoặc các cơ quan thời trước, ngày nay là từ chung để gọi những người siêng năng chăm chỉ, sẵn sàng phục vụ người khác.

Không ngờ anh vẫn về nhà.

Mục Tĩnh xoay người, vội vàng quay lại phòng ngủ. Lúc Cù Hoa vào trong phòng, Mục Tĩnh đang bỏ lại đồ lót của anh vào tủ.

Cù Tĩnh gọi tên cô từ sau lưng, khiến tay Mục Tĩnh khựng lại ngay giữa không trung. Cuối cùng, dưới ánh mắt chăm chú của Cù Hoa, cô cất hết đống đồ lót lấy cho anh vào tủ. Lúc lấy ra vẫn còn bình thường, khi nhét lại đã nhăn nhúm như quả bóng. Đằng sau lưng có cặp mắt đang chăm chăm nhìn như vậy, cô không thể nào gấp gọn chúng lại được, nhưng cứ để nguyên thế này thì cũng có vẻ không ổn lắm.

“Vội đi đưa quần áo cho anh đến thế à?”

“Em nghĩ hẳn là đêm nay anh sẽ cần đến.” Cô điều chỉnh lại biểu cảm, xoay người đối diện với Cù Hoa. “Em cứ tưởng rằng đêm nay anh không về nhà.”

“Đêm nay anh không phải trực, tình trạng của bà nội cũng ổn định, anh không có lý do gì để không trở về nhà cả. Đêm qua anh không về, có phải là đã để em đợi lâu không?”

“Chăm bà nội vẫn quan trọng hơn mà.”

Cù Hoa mỉm cười với Mục Tĩnh: “Em đúng là một người vợ tâm lý.”

Trong bữa cơm, Cù Hoa thông báo một tin tức tốt với người nhà, bà nội đã đồng ý làm phẫu thuật, anh là bác sĩ mổ chính.

Chuyện bà nội lo lắng nhất đã giải quyết xong, hiện tại bà chỉ nghĩ nếu cứ khổ sở như vậy thì chi bằng thử một lần, cho dù có chết cũng coi như được giải thoát. Chỉ là bà có một điều kiện, ca mổ của bà không thể do cháu trai thực hiện được. Điều bà lo sợ chính là, nếu như mình chết ngay dưới dao mổ của cháu trai, thằng bé làm thế nào mà tiếp tục sống được đây?

Nghe thấy Cù Hoa nói muốn mổ chính, mẹ anh không khỏi cau mày: “Ở cái tuổi này rồi, mẹ vẫn cảm thấy điều trị theo phương pháp cũ sẽ tốt hơn.” Tỷ lệ thành công của ca phẫu thuật không phải một trăm phần trăm, bà nội đã gần tám mươi, nguy hiểm tiềm tàng vẫn còn ở đó, ngộ nhỡ ca mổ thất bại thì biết làm sao? Cho dù bác sĩ tay nghề có cao đến mấy, khi mổ có thận trọng đến thế nào thì phẫu thuật cho người thân, kiểu gì cảm tính cũng sẽ ảnh hưởng đến lý trí. Thất bại với bệnh nhân khác thì cũng chỉ là thêm một ca mổ không thành mà thôi, còn nếu thất bại lần này, cả đời cũng sẽ không thoát khỏi gánh nặng tâm lý. Bài học của Nghiên Nghiên năm đó chẳng nhẽ vẫn chưa đủ sao? Thậm chí khi ấy Cù Hoa còn không phải bác sĩ mổ chính, chẳng qua chỉ là trợ lý phẫu thuật số một.

Nhưng mẹ của Cù Hoa cũng không muốn xát muối vào vết thương của anh. Giờ anh đã kết hôn rồi, có nhắc lại chuyện cũ cũng chẳng ích lợi gì với ai cả.

Ông Cù đồng ý với ý kiến của bà bạn già. Dù ở trong nhà thì ông vẫn giữ uy nghiêm, giọng điệu khi hỏi con trai cũng chẳng khác nào hỏi cấp dưới: “Tỷ lệ thành công của ca phẫu thuật là một trăm phần trăm à?”

Cù Hoa nhìn cha mình hệt như nhìn một kẻ ngốc: “Không có ca phẫu thuật nào tỷ lệ thành công là một trăm phần trăm cả. Năm xưa cha lên chiến trường, không nắm chắc trăm phần trăm thì cha không đánh nữa sao?”

“Anh làm sao mà so được với tôi hả?” Cù Hoa cũng không phải là đứa con trai lý tưởng trong lòng ông Cù, người con trai lý tưởng trong lòng ông Cù là phải lưỡi lê tắm máu(2). Con trai ông cũng cầm dao, nhưng mà lại là dao mổ. Tuy trình độ văn hóa của ông Cù không cao nhưng ông cũng biết Lỗ Tấn, năm ấy Lỗ Tấn bỏ y theo văn chính là bởi khả năng cứu người của bác sĩ có hạn. Con trai so sánh một ca mổ với chiến trường của ông năm xưa, hoàn toàn không cùng đẳng cấp.

(2) Lưỡi lê tắm máu: Một câu khẩu hiệu trong thời kỳ Cách mạng. Lưỡi lê (lưỡi dao gắn ở đầu súng) được sử dụng trong trường hợp tấn công giáp lá cà, cho nên “lưỡi lê tắm máu” cũng là biểu hiện của sự dũng cảm và bản lĩnh của người lính.

Ông Cù là một người con vô cùng có hiếu, không thể nào chấp nhận được nguy cơ mẹ mình phẫu thuật thất bại. Mà quan trọng nhất là, ông không tin con trai mình. Thời còn trẻ ông khinh thường mấy lão già, đến khi ông đã già rồi, kinh nghiệm đã tới tầm cao thì lại ngứa mắt những người trẻ tuổi. Ông muốn tìm một bác sĩ đáng tin cậy hơn. Ông Cù nói với Cù Hoa, ông chuẩn bị mời một vài chuyên gia y học cổ truyền tới hội chẩn cho bà cụ.

Cù Hoa thấy cha có vẻ không tin mình thì cười đáp: “Hồi xưa cha đánh trận thắng chắc toàn nhờ may mắn nhỉ.”

Ông Cù nghe thấy con trai ăn nói láo toét như thế, tức thì nổi cơn tam bành.

Khi ông sắp mất bình tĩnh đến nơi thì Cù Hoa lại nói tiếp: “Có phải cha thấy một đứa ngoại đạo như con chỉ biết nói hươu nói vượn thôi không?”

Ông Cù quả thực cảm thấy Cù Hoa chỉ biết nói hươu nói vượn.

“Khác nghề như cách núi, xin cha cũng đừng nghi ngờ nghiệp vụ của con.” Ca phẫu thuật của bà nội rất phức tạp, có những bác sĩ lớn tuổi cho dù từng có nhiều năm kinh nghiệm nhưng cũng chưa chắc đã đứng mổ được trong khoảng thời gian dài như vậy.

Ý của anh chính là, những gì ông Cù nói về phẫu thuật đều là nói hươu nói vượn. Cù Hoa không bao giờ chống đối cha mình, trừ khi bọn họ bàn về chuyên môn nghiệp vụ của anh. Từ nhỏ anh đã có tiếng là đứa trẻ ngoan, chưa bao giờ gây lộn, mỗi lần thi cử đều xếp thứ nhất, bình thường ở nhà không phải đọc sách thì chính là làm tiêu bản. Song ông Cù lại không thích một đứa con trai như vậy, ông thích con trai ầm ỹ một chút, suốt ngày ngồi lì trong nhà đọc sách thì có gì thú vị chứ, thà đi đuổi hoa bắt bướm hoặc tháo máy quay đ ĩa ra nghịch còn hơn. Ông Cù luôn luôn bận việc, thi thoảng được dịp về nhà lại thấy con trai đang nghe nhạc hoặc đọc sách, mà chuyện ông làm nhiều nhất chính là đuổi con ra ngoài, không cho nó ngồi trong phòng sách nữa. Có những khi ông bảo cảnh vệ đưa Cù Hoa ra thao trường tập bắn, Cù Hoa chỉ học vài lần là đã nắm được kỹ thuật, bắn súng rất chuẩn, ông Cù nghe xong cũng phải cảm thán không hổ là con trai mình. Cũng có những khi ông chỉ đuổi con ra khỏi phòng sách rồi mặc kệ không quản nữa, để nó tùy ý muốn làm gì thì làm. Cù Hoa không bao giờ đi gây chuyện, anh chỉ chơi quần vợt ở ngoài đến tận khi trời tối mịt. Thời ấy người chơi quần vợt trong thành phố này không nhiều, nhưng vẫn nhiều hơn bây giờ. Bạn đấu quần vợt của Cù Hoa luôn cố định, là một ông cụ, mà ông cụ ấy thì có một cô cháu gái, tên là Nghiên Nghiên. Cô thường xuyên nhặt bóng giúp bọn họ.

“Tôi không quan tâm anh nghĩ thế nào, tôi không thể để anh lấy bà nội ra làm thí nghiệm được.”

“Con ăn xong rồi, mọi người cứ ăn đi ạ.” Cù Hoa bỏ đũa xuống, rời khỏi chỗ ngồi.

“Anh cáu kỉnh như thế cho ai xem hả?”

Thấy ông Cù lại chuẩn bị bốc hỏa, bà bạn già vội vàng bảo Mục Tĩnh nếm thử món tôm. Bà đang ngầm nhắc nhở ông, con trai vừa mới kết hôn hai ngày, đừng để con dâu chê cười.

Mục Tĩnh cũng không ngờ Cù Hoa có thể đối chọi với cha mình như vậy. Cha anh không chỉ là cha, mà còn là người đại diện cho uy quyền.Bonus

Áp phích “Lưỡi lê tắm máu” của Quân đội Giải phóng Nhân dân (1965)