07.
Tôi gặp Thẩm Diệp vào đầu năm lớp 11.
Lúc đó anh ấy mới chuyển từ nước ngoài về.
Anh ấy đúng kiểu cậu ấm con nhà giàu xuất thân cao quý, cao ngạo và lạnh lùng, chuyện gì đến với anh ấy cũng như thể đương nhiên vậy, anh chẳng thèm để mắt đến.
Bao gồm cả vị trí đứng đầu của lớp mà tôi coi trọng.
Tôi luôn biết rằng có rất nhiều người có cuộc sống tốt hơn tôi và không phải ai cũng có trải nghiệm giống như tôi.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của anh ấy khiến tôi cảm thấy hóa ra khoảng cách giữa con người với nhau không chỉ là một khoảng cách, mà còn là một ngọn núi mãi mãi không thể vượt qua.
Tôi sinh ra trong một gia đình có chút tri thức, bố mẹ tôi đều tốt nghiệp đại học.
Họ được học lên cao, nhưng họ vẫn chưa gột rửa được những suy nghĩ cũ kỹ và cổ hủ.
Ngày tôi được sinh ra, có rất nhiều người vây quanh phòng sinh.
Khi biết tôi là con gái, mẹ tôi chỉ nói “Thật oan nghiệt” rồi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Bố tôi đi mời mọi người điếu thuốc và thông báo là không làm tiệc mừng nữa, lần sau sẽ bù lại cho mọi người.
Bà nội ở quê vỗ đùi một cái, mắng bố tôi là đã lấy phải đứa không đáng tiền, chỉ đẻ được đồ vô dụng.
Vậy nên khi tôi được sáu tháng, mẹ tôi đã mang thai em trai tôi.
Cả nhà quét sạch vẻ u ám trước đó, cười không thấy mặt trời đâu, hớn ha hớn hở.
Sau khi em trai ra đời, họ tranh nhau bế em nhưng không ai để ý đến tôi, đứa bé bị bỏ đói cả ngày trong góc nhà.
Bản năng sinh tồn khiến tôi bật khóc.
Mẹ tôi nói tôi chỉ đang gây sự chú ý thôi, thấy em trai được yêu thích hơn nên ghen tị với nó.
Sau này, tôi cứ thế bước trên con đường gập ghềnh mà trưởng thành dần.
Nhưng tôi vẫn không hiểu.
Tại sao em trai tôi lúc ăn sáng lại được hẳn ba quả trứng rán còn tôi thì không có một quả nào. Rõ ràng giáo viên đã nói là ăn trứng sẽ giúp cơ thể phát triển tốt mà.
Bố tôi thì cho rằng con gái không cần nạp nhiều dinh dưỡng đến thế đâu.
Tôi không hiểu tại sao em trai tôi có thể học trường tư thục với giá cao, còn tôi chỉ có thể học trường công lập miễn phí, dùng những cuốn sách cũ đã lật đến nát bìa.
Chẳng hiểu sao sau giờ học em tôi cứ khóc, la mắng cỡ nào không chịu đi học thêm mà bố mẹ vẫn dỗ đi, khi tôi gợi ý nếu em không muốn thì mình sẽ đi thay thì bố mẹ tôi sẽ mắng tôi là mới tí tuổi mà đã có tâm địa mưu mô.
Chẳng hiểu sao em tôi chưa bao giờ vào bếp hay làm việc nhà, còn tôi thì ngày nào cũng phải dậy sớm, ngâm tay trong nước hồ lạnh giá quanh năm, rửa sạch sẽ những vết dầu mỡ.
Hết bát đũa ố vàng thì lại đến chồng quần áo bẩn của gia đình.
Chẳng hiểu sao nửa đêm khi tôi còn ngồi học, mẹ không một lời quan tâm hay mang một ly sữa, chỉ mắng không ngớt, nói tôi tốn điện, chỉ biết hoang phí.
Tôi không hiểu tại sao, vì tôi là chị nên em trai sẽ được chọn trước những thứ tốt nhất, tôi phải giúp nó làm bài tập về nhà, nó đánh tôi thì tôi không được đánh trả.
Tôi không hiểu sao em trai tôi hàng ngày được đưa đón đến trường, nhưng tôi lại phải tự đi bộ về.
Có quá nhiều điều tôi không hiểu, vì vậy tôi bắt đầu hỏi tại sao.
Sau khi lên cấp hai, vì trường xa nhà, tôi không muốn phải mất thời gian đi đường nên tôi đã hỏi bố tôi rằng liệu bố có thể đưa đón tôi giống như em trai không.
Bởi vì họ không yên tâm nên đã để em trai tôi học ngoại trú, còn tôi thì học nội trú. Một tuần tôi chỉ làm phiền họ một lần đưa đón này thôi.
Bố không nói gì, tôi tưởng bố đồng ý.
Sáng thứ hai, còn chưa đến năm giờ sáng mà tôi đã bị mẹ gọi dậy bằng một cái chổi lông gà.
Bà ấy cười lạnh, không phải mày nói bố mày đưa mày đi học sao?
Tôi ngồi trong chiếc xe do bố lái trong im lặng.
Bầu trời bên ngoài cửa sổ tối đen, giống như có một con quái vật giương nanh múa vuốt đang rình rập.
Trên đường đi, bố tôi không ngừng chửi rủa tôi, nói tại sao mày không chết đi, đôi mắt của ông ấy như muốn nuốt chửng tôi.
Trong mười lăm phút lái xe, tôi đã nghe thấy những lời lăng mạ tồi tệ nhất trong cuộc đời mình, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng những câu từ tàn nhẫn ấy sẽ được thốt ra từ một người bố.
Tôi đi sớm quá, cổng trường chưa mở.
Tôi dựa vào lan can sắt ở cửa và ngồi lặng lẽ trong hai giờ.
Trời lạnh và tối.
Tôi nhìn mặt trời mọc từ phía đông từng chút một, và bầu trời tràn ngập ánh sáng.
Kể từ đó, trong tim tôi có một nguồn năng lượng vô tận, nó giúp tôi dậy sớm hai tiếng đồng hồ và đi bộ sáu dặm từ nhà đến trường.
Chín nghìn hai trăm sáu mươi tám bước, tôi đã đi trọn ba năm.
Không giống như em trai tôi, nó không bao giờ phải lo lắng về tiền bạc, tôi không có tiền tiêu vặt.
Tôi nghèo đến nỗi tôi bị bỏ lại với lòng tự trọng khiêm tốn và không chút giá trị.
Tôi đã cố xin nhưng họ là những người có văn hóa, không nói không cho mà lại luôn dùng vài câu nói để bóp nát lòng tự trọng của tôi ra từng mảnh, nhục nhã đến tột cùng.
Khi em trai tôi vẫn đang vô lo vô nghĩ thì tôi đã cố gắng hết sức để kiếm tiền.
Thế nên từ nhỏ tôi đã yêu tiền rồi, tôi không thể làm gì nếu không có tiền.
Đi nhặt rác, làm bài tập hộ người ta, đi phát tờ rơi, trước khi thi thì bán bút xóa, thi xong rồi thì bán bút màu.
Lâu lâu thì tôi lại bị lôi ra đánh đôi ba trận, xấu hổ đến mức không muốn gặp ai.
Bước ngoặt lớn nhất cuộc đời của tôi xảy ra vào kỳ nghỉ hè sau khi tôi tốt nghiệp cấp hai.
Gia đình ba người lái xe đi du lịch, vì bất đồng quan điểm nên họ đã cãi nhau, em tôi giật lấy vô lăng.
Cuối cùng, họ đi ngược chiều với tốc độ cao và va chạm với một chiếc xe tải.
Cả hai xe đều bị lật.
Năm người, không ai sống sót.
Phản ứng đầu tiên của tôi khi nghe tin đó là thật đáng tiếc.
Cảm thấy tiếc cho cặp vợ chồng mới cưới ngồi trong xe.
Việc tang lễ của họ diễn ra vội vàng, bà nội ở quê vội vàng chạy lên để tranh giành tài sản và tiền bồi thường.
Vốn dĩ bà ấy không muốn để lại cho tôi bất cứ thứ gì.
Tay tôi cầm con dao, tôi còn tàn nhẫn hơn bà ấy.
Tôi rêu rao ra bên ngoài là vợ chồng nhà họ Quý ngược đãi con gái ruột, bà nội thì tham đến nỗi muốn ăn đến cái xương cũng chẳng chừa.
Bà nội đông con đông cháu, tôi không cần mặt mũi nhưng họ thì cần.
Tới lui mấy bận, cuối cùng tôi cũng được chia 20.000 tệ và căn nhà cũ nát đang ở, còn tất cả đồ đạc có giá trị trong nhà thì bị bà ấy bê đi.
Tuy không nhiều, nhưng cuối cùng tôi cũng có thể tranh với họ rồi.
Tôi còn đổi cả tên của mình.
Từ Quý Chiêu Đệ thành Quý Nam Từ.
Tôi không còn vì em trai mà được sinh ra nữa, tôi vì chính bản thân tôi.
08.
Trường trung học cơ sở số 1 là một ngôi trường danh tiếng lâu đời và không thiếu học sinh giỏi.
Mặc dù đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh cấp ba nhưng tôi không được hưởng chính sách miễn giảm đặc biệt nào.
Từ tiểu học đến năm lớp 11, tôi luôn là người đứng nhất lớp.
Học bổng hàng tháng chính là của tôi.
Xét đến hoàn cảnh đặc biệt của tôi nên trường cho phép tôi được học ngoại trú.
Ngày nào tôi cũng bận tối mắt tối mũi.
Buổi sáng, tôi giao đồ ăn sáng cho các học sinh nội trú, buổi trưa tôi đi dạy thêm, buổi chiều tôi in và bán vở bài tập của mình, buổi tối tôi lại đến cửa hàng tiện lợi để làm việc bán thời gian.
Ngoài ra tôi còn tham gia vài cuộc thi nữa.
Tiền kiếm được cũng tạm gọi là đủ sống.
Tôi không nổi tiếng lắm, bởi vì tôi không có thời gian để buôn chuyện với họ, tôi cũng chẳng thân thiết gì mấy với bạn học, tôi làm gì cho họ thì cũng đều tính toán tiền bạc rõ ràng. Người tôi luôn toát ra vẻ con buôn, trên mặt dán hai chữ “ham tiền”.
Vậy nên Thẩm Diệp, học sinh mới đến đã phá vỡ tất cả.
Mọi người đều chờ để xem trò cười của tôi.
Khi đó tôi còn chưa quen biết Thẩm Diệp, trong lòng cũng không có cảm giác gì, nhiều nhất là hối hận vì đã để hụt mất 500 tệ, đồng thời khích lệ bản thân phải cố gắng hơn nữa.
Xem xong bảng điểm thì tôi bước vào lớp.
Mọi người xúm quanh Thẩm Diệp, khen anh ấy vĩ đại, hả hê vì anh ấy đã kéo được tôi xuống.
“Vị trí đứng đầu cuối cùng cũng đổi người rồi.”
“Tớ mong được nhìn thấy mặt của cậu ta quá.”
“Cậu ấy ăn nhiều tiền học bổng lắm.”
“Cứ như kiểu học bổng lập ra cho mình cậu ta ấy, người khác chưa bao giờ có phần.”
“Bình thường cậu ta kiêu ngạo lắm cơ mà, bây giờ chẳng khác nào đấm tay vào tấm sắt rồi.”
Cậu thanh niên tựa vào trên ghế, giữa hai lông mày lộ ra vẻ mất kiên nhẫn.
“Vị trí đầu bảng khó lắm à? Các cậu chưa ai đạt được sao?”
“500 tệ nhiều lắm hả? Còn chả đủ tôi mua một đôi tất nữa.”
“Các cậu lảm nhảm nhiều thế bảo sao chưa từng giành được vị trí đầu bảng.”
“...”
Họ phẫn uất.
Mất mặt ở cái này thì phải bù lại bằng cái khác thôi.
Ở cái tuổi mới lớn ngông nga ngông nghênh, chỉ vì sĩ diện mà lời ăn tiếng nói trở nên các ý từ lúc nào mà không hay.
Hoặc có thể là họ biết rõ điều đó.
“500 tệ với chúng tôi chả là gì, nhưng với Quý Nam Từ thì đây là một số tiền rất lớn đó.”
“Ha ha ha cậu ta đi toàn giày đại hạ giá thôi.”
“Cũng chả biết cậu ta kiếm đâu ra mấy đôi như giày của mấy bà dì bốn mươi tuổi nữa, thế mà cũng đi được.”
“Này, cậu ta chỉ có hai đôi giày thôi đúng không? Tớ chưa bao giờ thấy cậu ta đổi đôi khác đâu.”
“Bình thường cũng không biết có cọ giày không nữa.”
Nói quá đáng quá thì tôi cũng không thể làm như chưa nghe thấy gì được.
So với trước đây thì mấy cái này nhằm nhò gì đâu.
Tôi mở miệng với vẻ bình tĩnh: “Cậu quan tâm tôi nhiều như vậy, định quyên góp cho tôi sao?”
Điểm yếu có đôi lúc lại chính là vũ khí đáp trả mạnh mẽ nhất.
Lo lắng về những thứ không thể thay đổi được thì chỉ càng làm mọi chuyện rắc rối hơn thôi.
Họ im lặng một lúc, cảm giác tội lỗi hiện rõ trên khuôn mặt.
Cười vào cái nghèo của tôi, nhưng không giúp tôi thoát nghèo.
Thế thì việc tôi nghèo có liên quan gì đến cậu?